Một nhóm trẻ mầm non tư thục tại quận 9 - TPHCM.
Công việc cực nhọc, trách nhiệm nặng nề, thời gian làm việc kéo dài 10 - 12 giờ/ngày, nhưng lương lại không đủ sống khiến nhiều cô giáo mầm non phải bỏ nghề.
Theo báo cáo từ 80% cơ sở giáo dục mầm non về Phòng Giáo dục Mầm non Sở GD-ĐT TPHCM, từ đầu năm học đến nay đã có 250 giáo viên bỏ việc. Có khả năng khi các cơ sở báo cáo đầy đủ, số giáo viên mầm non bỏ việc sẽ vượt quá 300 người.
Làm nhiều, lương chẳng bao nhiêu
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non Sở GD-ĐT TPHCM, tính toán: “Mỗi năm, các trường sư phạm đào tạo ra khoảng 500 giáo viên mầm non. Nếu có hơn 300 giáo viên bỏ việc cộng với số giáo viên tới tuổi phải nghỉ hưu hằng năm thì tình trạng thiếu giáo viên ở bậc học mầm non sẽ kéo dài”.
Đâu là nguyên nhân khiến giáo viên mầm non bỏ việc? Bà Kim Thanh khẳng định: “Do lương quá thấp!”. Lương thấp còn do học phí thấp. Theo điều tra của Sở GD-ĐT, đa phần mức thu học phí hiện nay là từ 200.000- 500.000 đồng/trẻ/tháng. Cá biệt, có trường chỉ thu 120.000- 150.000 đồng/trẻ/tháng. Mức thu trên không đủ bù chi trong tình hình giá cả gia tăng như hiện nay. Ở các trường công lập tự chủ tài chính, mức học phí do UBND TP quy định (200.000- 250.000 đồng/trẻ/tháng) từ năm học 1999-2000 đến nay. Đối với các cơ sở mầm non tư thục, đặc biệt ở những khu vực nghèo, tình hình còn bi đát hơn khi mức thu cho cả học phí, tiền ăn và nhiều khoản tiền khác chỉ dừng ở mức dưới 500.000 đồng/trẻ/tháng.
Do mức thu thấp nên lương giáo viên chỉ khoảng 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng. “Công việc cực nhọc, trách nhiệm nặng nề, thời gian làm việc kéo dài 10- 12 giờ/ngày, nhưng lương lại không đủ sống khiến nhiều cô giáo phải bỏ nghề”- bà Kim Thanh nói.
Điều tiết ngân sách hợp lý
Nhằm tránh tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc hàng loạt, Sở GD-ĐT đưa ra giải pháp: Giảm sĩ số trẻ/lớp; tăng thu nhập (từ lương Nhà nước và học phí) để bảo đảm đời sống giáo viên... Mức lương tối thiểu của giáo viên mầm non mới ra trường phải là 2 triệu đồng/tháng. Nhưng tăng thu nhập bằng cách nào khi kinh phí hoạt động thường xuyên ở bậc mầm non hằng năm là hơn 600 tỉ đồng thì hơn 54% là do phụ huynh ở các cơ sở ngoài công lập đóng góp. Nếu tính cả học phí ở các trường mầm non công lập thì tổng kinh phí huy động từ phụ huynh vượt quá 70% chi phí hoạt động và lương giáo viên. Tỉ lệ xã hội hóa này là cao nhất so với tất cả các bậc học.
Bà Lê Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, đề xuất phương án sắp xếp lại hệ thống trường lớp công lập trên địa bàn để những trường tốt có thể tự chủ kinh phí toàn phần hoặc bán phần. Từ đó dồn một phần ngân sách Nhà nước từ khu vực các trường công hỗ trợ các cơ sở mầm non tư thục thu phí thấp và hoạt động tốt với mức khoảng 500.000 đồng/trẻ/năm để hỗ trợ lương giáo viên ít nhất bằng lương giáo viên các trường công lập. TS Lê Xuân Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Hoa Hồng Đỏ (Q.9), cho rằng: “Giáo dục là việc Nhà nước phải lo. Bây giờ để cho dân gánh vác thì Nhà nước nên chi hỗ trợ. Mức hỗ trợ có thể xét theo từng vùng và từng trường. Cấp ngân sách theo đầu trẻ nhiều nước cũng đã làm”.
TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cũng kiến nghị: Nhà nước cần có chính sách cho các trường mầm non được thuê đất giá ưu đãi nhất; miễn thuế doanh thu cho các công ty đầu tư vào giáo dục mầm non; miễn thuế cho các cơ sở mầm non và việc miễn thuế phải được quy định trong luật. Nhà nước phải đầu tư cho công tác đào tạo và đào tạo lại giáo viên với học phí thấp hoặc miễn học phí. Đồng thời, quy định nghiêm ngặt việc phải dành đất cho trường học trong các khu dân cư.
Tâm lý làm việc tạm bợ
Đội ngũ giáo viên thiếu và không ổn định là vấn đề khiến các chủ cơ sở mầm non ngoài công lập đau đầu. Xảy ra tình trạng này cũng là lẽ đương nhiên, bởi ngay các trường mầm non công lập, trường mầm non chuẩn quốc gia cũng đang thiếu giáo viên trầm trọng. Một giáo viên trẻ so sánh: “Đứng trước hai sự lựa chọn giữa trường công và trường tư, chúng tôi phải chọn trường công.
Làm việc ở trường công chúng tôi sẽ yên tâm hơn, giờ làm việc lại ít hơn (trường công trả cháu vào 16h30-17h và được nghỉ ngày thứ bảy, còn trường tư trả cháu trễ hơn và không được nghỉ thứ bảy) nhưng thu nhập cao hơn”. Đại đa số trẻ học tại trường mầm non ngoài công lập là con nhà nghèo, khó có thể trả chi phí ở mức cao, nên thu nhập của giáo viên cũng thấp. Đây là lý do khiến đội ngũ giáo viên mầm non, đặc biệt tại các cơ sở ngoài công lập, thường có tâm lý làm việc tạm bợ, sẵn sàng đổi chỗ làm hoặc bỏ việc khi tìm được việc khác có mức thu nhập cao hơn.
Chất lượng giáo dục sẽ gắn với “Trường học thân thiện”
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi các cấp, ngành hưởng ứng cuộc vận động
(Dân trí) - Sáng 15/5, tại trường THCS Vạn Phúc (Thành phố Hà Đông-Hà Tây) Bộ GD-ĐT đã chính thức phát động xây dựng “Trường học thân thiện”. Mục tiêu của cuộc phát động xây dựng là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông cũng như hạn chế tối đa việc học sinh bỏ học.
>> Giáo sư Mỹ "bốc thuốc" chữa "bệnh" bỏ học
Tại buổi lễ phát động, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Trường học thân thiện, trước hết, phải là trường học tiếp nhận tất cả trẻ em trong độ tuổi, nhất là cấp TH, cấp THCS là các cấp học phổ cập giáo dục, đến trường; nhà trường phải chịu trách nhiệm về công tác phổ cập giáo dục đối với địa phương nơi trường đóng.
Nhà trường phải tạo điều kiện để thực hiện bình đẳng về quyền lợi học tập cho thanh thiếu niên, không phân biệt bất kỳ sự khác nhau nào về tình trạng kinh tế gia đình, giới tính, dân tộc, tôn giáo, văn hoá, ngôn ngữ, vùng miền, phong tục tập quán..., kể cả trẻ em lành lặn và trẻ em khuyết tật có ý chí thiết tha và khả năng học tập.
Nhà trường phải tận tình giúp đỡ học sinh chưa ngoan, giúp đỡ học sinh học lực yếu kém, giảm lưu ban, bỏ học, vận động những học sinh đã bỏ học lại đến trường, cùng với Ban đại diện cha mẹ học sinh tận tâm cưu mang, giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Thầy và trò trường THCS Vạn Phúc chăm chú nghe lời phát
động của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (Ảnh: Nguyễn Hùng)
3 nội dung trọng tâm của “Trường học thân thiện”
Cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện” nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng trong mỗi trường học môi trường sư phạm lành mạnh, an toàn tạo cơ sở vững chắc cho việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Trường học thân thiện không tự nhiên mà có, mà là kết quả của quá trình phấn đấu gian khổ, phối hợp nhiều lực lượng, trong đó thầy và trò là lực lượng nòng cốt, sẽ trở thành hiện thực sau một quá trình tự hoàn thiện, khắc phục yếu kém, thách thức, là mô hình của trường chuẩn quốc gia.
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT thì trường học thân thiện không phải là một mô hình hoàn toàn mới ở nước ta mà trên thực tế đã có nhiều điển hình tiên tiến đã và đang phấn đấu thực hiện. Trong xu thế hội nhập, việc xây dựng và thực hiện mô hình trường học thân thiện cần kết hợp từ lý luận và thực tiễn trong nước với việc tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới.
Do nội dung của “Trường học thân thiện” khá phong phú, nên trước mắt Bộ GD-ĐT sẽ tập trung vào 3 nội dung trọng tâm của Cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện”, cụ thể:
1. Học tốt: Động viên và tiếp nhận tất cả trẻ em ở độ tuổi đến trường, đảm bảo học tập hết cấp học; xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, an toàn; từng bước nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng trường học khang trang xanh - sạch - đẹp; thầy đổi mới phương pháp dạy học, trò học tập hứng thú; giảm lưu ban, bỏ học để nâng cao hiệu quả giáo dục.
2. Đẩy mạnh việc “chơi mà học”: Nâng cao chất lượng các hoạt động thể thao, văn hoá, văn nghệ, vui chơi trong đó coi trọng việc đưa trò chơi dân gian, các hoạt động tập thể vui mà học phù hợp với lứa tuổi vào nhà trường.
3. Mỗi trường hoc là một địa chỉ nhận chăm sóc công trình văn hoá, lịch sử: Động viên học sinh tham gia chăm sóc các công trình văn hoá lịch sử của đất nước, mỗi nhà trường nhận hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ, tôn tạo một số khu di tích lịch sử, văn hoá, tích cực chăm lo xây dựng các công trình công cộng, trồng cây, chăm sóc cho đường phố, ngõ xóm sạch sẽ.
Bộ GD-DT tặng ảnh chân dung Hồ chí Minh cho trường THCS Vạn Phúc
với niềm tin trường sẽ là đơn vị thực hiện tốt cuộc vận động. (Ảnh: Nguyễn Hùng)
Được biết, ngay từ dịp hè và năm học 2008-2009, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu 100% các trường triển khai thực hiện một cách sáng tạo, phù hợp với đặc điểm từng địa phương, coi đó là hành động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, từng bước triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm nói trên của cuộc vận động.
Ngành giáo dục sẽ chọn 5 khu di tích lịch sử tiêu biểu để hỗ trợ việc chăm sóc, đó là các công trình:
1. Khu mộ của Cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở tỉnh Đồng Tháp;
2. Đền thờ nhà giáo bậc thầy Chu Văn An ở tỉnh Hải Dương;
3. Khu lưu niệm Bác Hồ viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tại TP. Hà Đông, tỉnh Hà Tây, nơi chúng ta tổ chức Lễ phát động này;
4. Ngã ba Đồng Lộc ở tỉnh Hà Tĩnh, một chiến tích của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc;
5. Nghĩa trang Liệt sỹ giáo dục ở tỉnh Tây Ninh.
A.T
Nhận xét
Đăng nhận xét