Quanh tuổi lên 2, bé có thể nhảy lên với cả hai chân không chạm đất. Bé cũng có thể leo lên cầu thang mỗi chân bước một bậc thang, trong khi tay vịn vào lan can.
Bé có thể nguệch ra một đường thẳng bằng cách cầm bút chì bên tay phải hoặc tay trái. Bé cũng có thể tự xúc thức ăn khá tốt, với ít thức ăn rơi ra ngoài nhưng không có nghĩa là lúc nào bé cũng xúc được thức ăn một cách thuần thục. Bé xếp được một tháp cao, khoảng 8-10 khối hình.
Cha mẹ nên khuyến khích phát triển thể chất cho bé bằng cách chơi cùng con. Chơi bóng cùng bé
bên ngoài sân, nô đùa chạy nhảy với bé và khuyến khích bé đạt được những hoạt động thể chất mới. Đưa bé ra ngoài công viên là cách tuyệt vời để bé quan sát các bé khác vui chơi, cũng như hòa nhập xã hội.
Hành vi
Cha mẹ bắt đầu than phiền về tính ương bướng khủng khiếp của bé tuổi lên 2. Nếu con bạn thuộc nhóm những bé "cứng đầu" thì bạn không phải người duy nhất. Khó bảo là một phần bình thường trong quá trình phát triển của bé, bắt nguồn từ việc bé muốn thể hiện sự độc lập và "xé rào" những nguyên tắc của mẹ.
Bé có thể giận dữ vì bé chưa biết kiểm soát cảm xúc của mình, cũng như các kỹ năng ngôn ngữ chưa đầy đủ khiến bé lúng túng khi bày tỏ nỗi thất vọng, sợ hãi và những cảm xúc khác. Một cách để đối phó với cơn nóng nảy của bé là làm bé bị phân tán sự chú ý. Đó không phải trừng phạt mà đơn giản là giúp bé loại khỏi nguyên ngân gây tức giận.
Bé 2 tuổi có tính sở hữu tốt hơn với những đồ đạc thuộc về bé. Đó là nguyên nhân khiến bé do dự mà không muốn chia sẻ với những bé khác. Bạn có thể giúp bé hào phóng hơn bằng cách làm gương tốt cho con về tính sẻ chia, như để bé thấy mẹ chia sẻ bánh kẹo, các tờ báo, điều khiển tivi... với các thành viên khác trong nhà và với bé. Tất nhiên, bé chưa đủ nhận thức để hiểu hết ý nghĩa của chia sẻ cho tới tuổi lên 5.
Tình cảm của bé 2 tuổi cũng "nở rộ". Bé biết thể hiện tình yêu thương với những cái ôm và nụ hôn.
Ngôn ngữ
2 tuổi là mốc quan trọng để phát hiện những chậm trễ trong ngôn ngữ của bé. Đến 2 tuổi, bé cần có vốn từ vựng khoảng 50 từ, chẳng hạn "bà", "nước", "không", "nữa"... Trong giai đoạn này, bé cũng có thể nói được cụm hai từ có nghĩa, như "quả bóng", "đi xe"...
Đừng lo lắng về phát âm của bé trong tuổi này vì chỉ có khoảng 50% những gì bé nói là nghe được và dễ hiểu. Trừ khi bé không phát âm được từ nào có nghĩa mà chỉ như những âm thanh bập bẹ.
Biểu hiện khác mà cha mẹ cần quan tâm là bé hiểu được những gì mẹ nói. Nếu bé liên tục bỏ qua yêu cầu của mẹ hoặc mẹ yêu cầu một việc đơn giản nhưng phải lặp đi lặp lại vài lần thì nên lưu ý tới bé.
Vấn đề y tế
Nếu phát hiện ra bất thường nào của bé như về sức khỏe, tâm lý thì bạn cần đưa bé đi khám. Đây cũng là giai đoạn bệnh tự kỷ có thể được chẩn đoán. Bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn và bé một bảng câu hỏi được gọi là M-chat, sử dụng để kiểm tra bé 16-30 tháng tuổi, giúp đánh giá nguy cơ bị tự kỷ.
Bạn cũng có thể cho bé đi cân và đo. Bác sĩ sẽ:
- Hỏi bạn về thói quen ăn, ngủ của bé.
- Tìm hiểu các hoạt động thể chất của bé (đi, chạy, nhảy...), cũng như kỹ năng tương tác với những bé khác.
- Hỏi xem bé nói được bao nhiêu từ.
- Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ chì cho bé, đặc biệt nếu bạn sống trong khu vực có nguy cơ nhiễm độc chì. Bé cũng có thể được yêu cầu kiểm tra nước tiểu.
- Kiểm tra thị lực và thính lực cho bé.
Dinh dưỡng
Bé 2 tuổi có thể ăn khẩu phần bằng ¼ hoặc 1/3 người lớn. Bạn có thể nhận thấy bây giờ bé kén ăn hơn trước và đó là tâm lý bình thường của bé ở lứa tuổi này. Một số bé tỏ ra sợ hãi và từ chối món mới mà bé chưa từng nếm. Cha mẹ đừng quát nạt hay ép buộc bé phải ăn. Thay vào đó, bạn nên đặt một vài món ngon trước mặt bé rồi cuối cùng bé cũng sẽ chịu ăn, dù ít hay nhiều.
Ngủ
Bé ngủ khoảng 11 tiếng ban đêm và 2 tiếng ban ngày. Tuy nhiên, để dỗ bé ngủ có khi là "trận chiến" thực sự với cha mẹ. Với bé đã quen ngủ cũi, chưa được chuyển sang giường thì bé có thể trèo ra khỏi cũi khi không muốn ngủ.
Để an toàn cho bé ngủ cũi giai đoạn này, bạn cần:
- Chọn đệm cũi mỏng hơn.
- Rải chăn, gối hay đệm quanh cũi, phòng khi bé trèo ra khỏi cũi mà bị ngã.
- Loại bỏ đồ chơi, thú bông trong cũi vì bé có thể giẫm lên chúng để bước ra khỏi cũi.
- Khi bạn thấy bé cố gắng trèo ra khỏi cũi, hãy nghiêm khắc nhắc bé không được làm vậy.
- Luôn giám sát bé khi bé ngủ. Vào ban đêm, nên đặt cũi của bé gần giường ngủ của cha mẹ.
- Cho bé ngủ trong túi ngủ vì như thế, bé khó có thể giơ cao chân khi muốn leo khỏi cũi.
Nếu bạn muốn chuyển bé ngủ cũi sang giường riêng thì có 2 gợi ý như sau:
- "Phương pháp lạnh": Đơn giản chỉ cần loại bỏ cũi và thay vào vị trí đó một chiếc giường mới. Chọn giường dành cho bé với hai rào chắn bằng sắt ở hai bên thành giường, hạn chế bé không bị ngã khỏi giường.
- "Phương pháp tiếp cận dần dần": Đặt chiếc giường mới cạnh vị trí chiếc cũi. Bạn có thể bắt đầu đọc sách cho bé trên giường hoặc cho bé ngủ trưa trên chiếc giường mới. Sau đó, chuyển cho bé sang ngủ giường vào ban đêm. Khi bé đã quen với giường thì rời chiếc cũi ra khỏi phòng.
Lưu ý: Dù chọn phương pháp nào thì bạn cũng cần nhắc nhở bé, tuyệt đối không được tự ý ra khỏi giường mà không có mẹ.
Phát triển xã hội
Bé ở tuổi này thích chơi với bé khác nhưng theo kiểu ngồi cạnh rồi chơi. Bé thích các đồ chơi có nhạc hay hoạt động thể chất. Chia sẻ tất nhiên là rất khó khăn với bé ở tuổi lên 2; tuy nhiên, bạn có thể rèn tính chia sẻ cho con bằng cách chờ tới lượt khi chơi. Khi các bé tranh nhau một món đồ chơi, hãy đề nguyên tắc mỗi bé chỉ được chơi một phút để giảm bớt sự tranh giành (đặt biệt là với các anh chị em ruột).
Đây cũng là lứa tuổi lý tưởng để dạy bé dọn dẹp. Bé có thể bắt chước mẹ thu dọn đồ chơi hoặc nhặt rác, bỏ vào thùng rác. Ngoài ra, bé cũng thích bắt chước cha mẹ về ngôn ngữ và hành vi.
Giáo dục
Bên cạnh việc học màu sắc và tăng vốn từ vựng, bé 2 tuổi cũng học được làm thế nào để phân loại đồ vật, như bỏ đồ chơi vào một giỏ, quần áo vào giỏ khác. Bé cũng biết xác định các hình ảnh đơn giản như một quả bóng, con chó, con mèo... Bé có thể chỉ vào mắt, tai, mũi khi được hỏi, sẽ lặp lại các từ và nói được 2-3 từ trong một câu có nghĩa.
Bạn có thể dạy con bằng cách để bé giúp mẹ những việc đơn giản, chẳng hạn dọn đồ chơi, thu quần áo vào chậu. Nên mô tả những gì bé đang làm vì đó là cách giúp bé học từ mới.
Bé 2 tuổi cũng có thể chơi với bút và màu vẽ. Hãy cho bé một vài cây bút màu, tờ giấy trắng hoặc màu nước để bé được sáng tạo.
Thách thức với cha mẹ
Cơn giận dữ: Một người mẹ chia sẻ: "Bé Mia 2 tuổi nhà tôi hay tức giận, đặc biệt khi bé muốn cái gì đó mà không được". Người mẹ cho biết khi đó, bé sẽ lăn trên sàn, ném mọi thứ có trong tay rồi gào khóc inh ỏi. Nhưng nếu cho bé thứ mà bé muốn thì ngay lập tức, bé nín khóc liền. Còn không, thậm chí bé sẽ lao vào đánh mẹ vì không vừa ý.
Giải pháp: Gọi tên cảm xúc của bé rồi bỏ qua nó.
Tính nhất quán của cha mẹ chính là chìa khóa để đối phó với cơn giận của bé. Nếu yêu cầu của bé là không thể đáp ứng thì đơn giản, bạn cần nghiêm khắc bỏ qua bé. Miễn là bé không đặt bé hoặc ai khác vào nguy hiểm. Hãy cứ để bé "ăn vạ" cho tới khi nào qua cơn giận của bé thì thôi.
Hoặc bạn chọn hình phạt cho bé. Đưa bé vào một chỗ trong nhà và nói với bé khi nào bé bình tĩnh hơn thì hai mẹ con sẽ nói chuyện. Sau đó, khi bé đã hết khóc, cần giải thích cho bé lý do bị phạt. Đây là cách giúp bé tự ý thức việc nào đúng - việc nào sai và hạn chế những hành vi tương tự.
Theo Mevabe
Nhận xét
Đăng nhận xét